• Các bé tham gia tiêm ngừa vắc xin phòng chống Covid- 19 tại trường Mẫu Giáo Phước Lâm !

    23/05/2022
    Trạm y tế xã Phước Lâm tiến hành tiêm vắc xin phòng tránh bệnh Covid -19 cho trẻ tại trường Mẫu Giáo Phuớc Lâm
  • Dinh dưỡng cho trẻ trước và sau khi tiêm.

    22/05/2022
    Phụ huynh thân mến, tiêm vaccine COVID-19 là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, là điều kiện quan trọng để cho trẻ sớm được trở lại trường học. Tuy nhiên đây cũng là nỗi lo lắng của không ít các bậc phụ huynh. Bởi các con còn quá nhỏ, cơ thể còn non yếu. Chính vì vậy một chế độ ăn đa dạng thực phẩm đầy đủ và cân bằng các yếu tố đa lượng và vi lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối chức năng hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Nhưng cần cho trẻ ăn gì, uống gì trước và sau khi tiêm vaccine để đảm bảo sức khỏe? Sau đây Trường Mẫu Giáo Phước Lâm xin được chia sẻ với các bậc phụ huynh về một số nguyên tắc dinh dưỡng, duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Giúp trẻ phòng chống dịch bệnh và có một cở thể khỏe mạnh trước khi tiêm vaccine. 1. Dinh dưỡng trước khi tiêm vaccine COVID-19 Trước khi tiêm, trẻ cần sự ủng hộ của cha mẹ và người thân. Nếu trẻ lớn, người chăm sóc nên cho trẻ biết về những cảm giác châm chích của mũi tiêm ngừa. Trẻ nên ăn trước khi đi tiêm ngừa, nên tránh những món mà trẻ bị dị ứng trước đó. Trong khi chờ tiêm có thể cho trẻ uống nước lọc, ăn nhẹ. Không ăn quá no vì có thể dẫn tới khó chịu, khó thở. Tuyệt đối không để bụng đói vì có thể gây hoa mắt. chóng mặt, nhất là với những trẻ sợ tiêm. Không nên uống hay ăn các loại thực phẩm có chứa caffein (như trà, cà phê, sôcôla, nước tăng lực…). Vì caffein trong các loại thực phẩm này có thể gây ra cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh, lo lắng, bồn chồn, khó chịu dạ dày hay nôn ói, đau đầu từ đó có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêm ngừa của trẻ. 2. Sau khi tiêm vaccine COVID-19 Trẻ có thể gặp các phản ứng như đau nhức chỗ tiêm, sốt, đau nhức cơ, ớn lạnh, mệt mỏi… Ba mẹ cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý và cân đối là phù hợp với tình trạng của trẻ lúc này. Ăn đủ 4 nhóm dinh dưỡng Cần cho trẻ ăn đầy đủ, cân bằng 4 nhóm dưỡng chất chính (bao gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất) và đa dạng các loại thực phẩm. Tùy vào tình trạng của trẻ sau tiêm cha mẹ nên cho trẻ ăn các loại thức ăn phù hợp như các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa (súp, cháo, sữa…). Nên uống nước thường xuyên hơn Sau khi tiêm vaccine, thường có các dấu hiệu đau sốt, vì thế việc bổ sung nước cho cơ thể là việc rất cần thiết. Uống đủ nước giúp máu lưu thông tốt hơn để cung cấp đủ ôxy cho các tế bào, từ đó tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Lượng nước trung bình nên cung cấp cho cơ thể khoảng 2 - 3 lít/ngày. Trong đó, 20% nước đến từ thức ăn và 80% còn lại được bổ sung qua đường uống. Nước lọc là thành phần quan trọng không thể thiếu. Các loại nước hoa quả có thể uống bổ sung như nước chanh, nước cam, nước bưởi ép… để cung cấp lượng vitamin C, A cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra có thể uống nước rau, nước oresol, nước có pha thêm chút muối... Khi uống nước nên uống từ từ, càng chậm càng tốt và chia nhỏ lượng nước cần uống sẽ giúp giảm cơn khát tốt hơn. Các thực phẩm nên ăn Một số thực phẩm tự nhiên tốt cho trẻ sau tiêm vaccine COVID-19: Các loại cá, đặc biệt là cá béo (cá thu, cá ngừ, cá trích…). Những thực phẩm này giàu omega 3 giúp tăng cường khả năng miễn dịch, chống viêm, rất tốt cho các bé nhà mình. Để có hệ miễn dịch khỏe mạnh, chế độ dinh dưỡng lành mạnh và cân đối là cần thiết. Nên ưu tiên ăn các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như cá, thịt, trứng, sữa, rau xanh và trái cây, các lợi khuẩn đường ruột. Thêm nữa, chế độ ăn cần cung cấp đầy đủ các vi chất cần thiết cho hệ miễn dịch như vitamin A, C, D, E, B2, B6, B12, folic acid và các khoáng chất như sắt, selenium, kẽm. Nên tránh các loại thực phẩm chứa béo bão hòa hay thức ăn chiên, xào… gây khó tiêu. Thịt gà: Thịt gà là một nguồn thực phẩm giàu protein và có thể được tiêu thụ từ 2 - 3 lần trong một tuần sau khi tiêm phòng. Trứng: Chứa nhiều dưỡng chất, là nguồn cung cấp protein dồi dào và chứa các axit amin thiết yếu giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Nhóm các vitamin: Vitamin A có nhiều trong gấc, xoài, rau dền, rau ngót, gan động vật… Vitamin nhóm B có nhiều trong tim, gan, các loại đậu, ngũ cốc… Vitamin C có nhiều trong cam, chanh, quýt, bưởi, rau mồng tơi, rau ngót, rau đay, rau dền… Vitamin D có trong trứng, sữa, cá, gan cá, hải sản… Vitamin E có trong lạc, vừng, đậu tương, giá đỗ, các loại rau lá xanh đậm, dầu ooliu, dầu hướng dương… Nhóm các khoáng chất: Sắt có trong nấm hương, mộc nhĩ, bầu dục lợn, cua đồng, đậu tương, rau dền đỏ… Kẽm có trong hàu, ngao, tôm, sò, cá, trứng, thịt, sữa… Ngoài ra, cha mẹ có thể bổ sung vi chất cho trẻ qua các loại thực phẩm được tăng cường bổ sung khoáng chất. Trẻ nên được khuyến khích ăn trái cây, rau xanh thay vì uống nước ép trái cây. Tuy nhiên nếu trường hợp trẻ quá khó ăn thì phụ huynh nên lựa chọn các loại nước ép trái cây có nguồn gốc tự nhiên và không thêm chất tạo ngọt. Trẻ nên ngủ sớm, ngủ đủ giấc theo nhu cầu của từng độ tuổi (trẻ > 12 tuổi: 7 - 11 tiếng/ngày). Tránh các vận động mạnh, tuy nhiên trẻ có thể thực hiện các bài tập thể dục nhẹ khoảng 15-20 phút/ngày giúp hỗ trợ tuần hoàn máu. Nếu trẻ có những phản ứng bất thường nặng, thì người chăm sóc cần liên hệ trung tâm y tế để được can thiệp sớm. Trên đây là những chia sẻ về cách chăm sóc trẻ và chế độ dinh dưỡng cho các con. Hy vọng rằng bài viết trên có thể giúp các bậc phụ huynh chăm sóc sức khỏe của các con tốt hơn trong những ngày tiêm chủng sắp tới.
  • Chuẩn bị tâm thế cho trẻ và những việc ba mẹ cần tìm hiểu cho các bé yêu chuẩn bị tiêm ngừa vắc xin covid-19

    21/05/2022
    Cha mẹ cần tìm hiểu và có kiến thức để chuẩn bị cho trẻ trước khi tiêm và biết cách theo dõi trẻ trong và sau khi tiêm. Cụ thể: Trước khi trẻ tiêm, cha mẹ cần: - Giải thích cho trẻ hiểu tầm quan trọng của tiêm vaccine phòng COVID-19. - Cho trẻ ăn đầy đủ, không để trẻ bị đói khi đi tiêm. - Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của điểm tiêm. Nếu cha mẹ đồng ý cho trẻ tiêm vaccine COVID-19, hãy ký xác nhận Phiếu đồng ý cho trẻ tiêm chủng. - Khai báo y tế trước khi đến điểm tiêm theo quy định. - Bố trí đưa trẻ đến điểm tiêm chủng theo đúng lịch đã được đăng ký. - Thực hiện nghiêm 5K. Trong khi tiêm: Nếu cha mẹ đi cùng trẻ đến điểm tiêm, hãy động viên và cùng với trẻ thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, luôn đeo khẩu trang, rửa tay sạch, giữ khoảng cách an toàn và thực hiện đầy đủ các quy định tại điểm tiêm. Sau khi trẻ tiêm vaccine, cha mẹ cần: - Động viên và cùng với trẻ ở lại điểm tiêm 30 phút sau khi tiêm để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng sau khi tiêm. - Sau khi trẻ rời khỏi điểm tiêm, trẻ cần được tự theo dõi tại nhà trong 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu. Sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19, nếu thấy trẻ có một trong các biểu hiện sau, cha mẹ cần liên hệ với Đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện (theo số điện thoại hoặc địa chỉ được điểm tiêm chủng cung cấp: - Trẻ thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi. - Trẻ thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da. - Dấu hiệu ở họng: Trẻ có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó. - Về thần kinh: Trẻ có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật. - Về tim mạch: Trẻ có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất. - Về đường tiêu hóa: Trẻ có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy. - Về đường hô hấp: Trẻ có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái. - Hoặc trẻ có biểu hiện toàn thân như: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt…
  • Bé yêu chào mừng sinh nhật Bác Hồ

    19/05/2022
    Chào mừng sinh nhật Bác 19/5/2022
  • BÀI TUYÊN TRUYỀN CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG HỢP LÝ CHO TRẺ MẦM NON

    27/04/2022
    BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG HỢP LÝ CHO TRẺ MẦM NON Sức khỏe là vốn quý của mỗi con người đặc biệt trong việc phòng chống dịch covid- 19 hiện nay. Như chúng ta đã thấy ở lứa tuổi mầm non, não bộ và thể chất của trẻ phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, trẻ cần rất nhiều năng lượng để đảm bảo các hoạt động vui chơi, học tập. Hiện nay để phòng chống tốt dịch bệnh covid-19, thực hiện văn bản các cấp, nhà trường cho học sinh nghỉ học, thời gian nghỉ học đối với học sinh dài. Do vậy nhà trường rất mong phụ huynh cần tạo cho trẻ các hoạt động vui chơi, trải nghiệm và chăm sóc, ăn ngủ cho trẻ ngay tại mỗi gia đình. Vì trẻ em trong độ tuổi mầm non rất cần được chăm sóc bởi một chế độ dinh dưỡng đặc biệt, giúp cơ thể trẻ phát triển hài hòa. Các bậc phụ huynh cần trang bị nhiều kiến thức để xây dựng một chế độ dinh dưỡng cho trẻ khoa học và đúng cách. Sau đây nhà trường tuyên truyền về chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ: I. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ mầm non – Cân đối các nhóm thực phẩm cần thiết 1. Thực phẩm tinh bột Nguồn cung cấp tinh bột chủ yếu hàng ngày cho trẻ là cơm, cháo. Tuy nhiên ngoài cơm, cháo bạn có thể bổ sung những thức ăn từ bánh mì, khoai lang, khoai tây, ngũ cốc, mì ống…Để tránh tình trạng trẻ nhàm chán, biếng ăn, bạn có thể thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm, làm đa dạng hơn thực đơn hàng ngày của trẻ. 2. Thực phẩm giàu protein Thịt, cá, trứng, sữa và các chế phầm từ sữa hay các loại đậu, ngũ cốc là nguồn cung cấp đạm tuyệt vời cho trẻ. Trẻ cần ăn một ngày 2 bữa đầy đủ đạm. 3. Thực phẩm chứa chất béo có lợi. Chất béo rất cần thiết cho một chế độ dinh dưỡng hợp lý của trẻ. Ở độ tuổi này, trẻ cần được cung cấp chất béo cần thiết cho quá trình tăng trưởng thể chất và phát triển trí tuệ. Theo các chuyên gia, khoảng 60% não của trẻ được cấu thành từ chất béo trong những năm đầu đời. Do đó trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ không thể nào thiếu dầu, thịt, bơ, sữa, phomai… 4. Sữa và các sản phẩm từ sữa Sữa là nguồn thực phẩm rất quen thuộc và dường như không thể thiếu với trẻ nhỏ. Sữa giàu canxi, vitamin và khoáng chất có lợi cho trí não của trẻ. 2 ly sữa mỗi ngày là đủ cho trẻ ở độ tuổi mầm non. Ngoài ra váng sữa, phô mai, sữa chua cũng là những nguồn bổ sung vitamin D cực kỳ tốt cho bé. Tuy nhiên không phải loại sữa chua nào cũng cung cấp vitamin D. Chúng ta cần xem rõ nhãn mác, nguồn gốc và thành phần của sản phẩm. 5. Hoa quả và rau xanh Trẻ nhỏ cần ăn nhiều rau, củ để bổ sung vitamin, khoáng chất và chất xơ Không phải trẻ nào cũng thích ăn rau, củ, quả. Tuy nhiên đây là thành phần không thể thiếu trong khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ mầm non. Hoa quả và rau xanh chứa nhiều chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ, hỗ trợ phòng ngừa táo bón. Ngoài ra, các vitamin có trong hoa quả còn giúp trẻ ngăn ngừa một số bệnh. Ví dụ: vitamin C có trong cam, quýt, ổi giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, tránh xa các bệnh cảm, cúm thông thường; vitamin A có trong cà rốt, cà chua giúp ngăn ngừa các bệnh về mắt… Bạn có thể linh hoạt chế biến nguồn nguyên liệu này bằng nhiều cách: nấu canh, ăn trực tiếp, trộn với sữa chua, xay nước ép, sinh tố…Cha mẹ cũng có thể thường xuyên cho bé ăn các bữa phụ với trái cây thái nhỏ, rất dễ ăn và được nhiều bé yêu thích. 6. Đồ uống cho trẻ Theo các chuyên gia, ở độ tuổi mầm non trẻ có thể uống 6 ly nước mỗi ngày. Đặc biệt đối với những trẻ hiếu động, chơi đùa nhiều thì cần bổ sung nhiều nước tránh tình trạng mất nước. Tuy nhiên nước chủ yếu các bé mầm non uống không nhất thiết chỉ là nước lọc. Bởi sữa cũng là thức uống cực kỳ quan trọng giữa những bữa chính. 2 ly sữa mỗi ngày là đủ để cung cấp canxi, vitamin D và các vi chất cần thiết cho ở độ tuổi mầm non đến khi 8 tuổi. II. Thực phẩm và đồ uống cho trẻ mầm non cần tránh 1. Thực phẩm không tốt cho trẻ Ở trẻ nhỏ, mọi thứ còn non nớt, nhất là với hệ tiêu hóa và đường ruột. Vậy nên chúng ta cần lựa chọn những loại thực phẩm dễ tiêu hóa, không chất độc hại. Để tốt cho sức khỏe trẻ nhỏ, chúng ta nên tránh cũng như hạn chế những loại thực phẩm sau: - Cá biển như cá kiếm, cá mập…do chứa hàm lượng thủy ngân cao. - Đồ ngọt và nhiều thực phẩm có đường nếu trẻ ăn nhiều sẽ dễ tăng cân và bị hỏng răng. -Thức ăn nhanh, đồ chiên rán nếu lạm dụng nhiều sẽ khiến bé thừa cân. -Những món cứng, quá rắn ảnh hưởng đến răng của bé: hoa quả khô, các loại hạt, bánh kẹo cứng…Tốt nhất nên cho bé ăn đồ đã được thái nhỏ, nấu chín mềm. - Các món ăn đường phố, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 2. Đồ uống không “thân thiện” với trẻ mầm non -Thức uống có ga, đồ đóng hộp chứa nhiều chất bảo quản cần hạn chế cho trẻ dùng. -Trà và cà phê nên tránh trong thực đơn dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ mầm non. Bởi chúng sẽ làm giảm quá trình hấp thu sắt. -Lưu ý đối với nước ép hoa quả, các mẹ nên cân nhắc với lượng vừa phải. Tuyệt đối không cho bé uống quá nhiều lần trong ngày. Bởi trong nước hoa quả có tính axit có thể phá hủy men răng sữa còn mỏng của bé. Tuy rằng khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ mầm non cần cân bằng và lựa chọn đầy đủ chất nhưng không có nghĩa là bạn quá khắt khe, quản lý nghiêm ngặt chuyện ăn uống của con. Đừng ép con ăn những món không thích! Hãy từ từ tạo hứng thú trong mỗi bữa ăn để đạt hiệu quả lâu dài. Ngoài việc xây dựng bữa ăn hợp lý. Bên cạnh đó phụ huynh cần tạo cho trẻ các hoạt động trải nghiệm qua đồ dùng đồ chơi, qua các hoạt động, qua tiếp xúc môi trường, ngay tại không gian mỗi gia đình. Qua các kênh trên truyền hình để trẻ được tiếp cận (Phụ huynh có thể cập nhật trên kênh truyền hình VTV1 vào vào 20h05 và VTV7 vào thời gian 9h00 và 20h00 hàng ngày để được hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng khoa học hợp lý và tổ chức các hoạt động vui chơi học tập cho trẻ mầm non. Đặc biệt trong thời gian này phụ huynh cùng các con hạn chế ra ngoài, Không tiếp xúc chỗ đông người. Hy vọng bài viết trên giúp các bậc phụ huynh phần nào chăm sóc tốt hơn đến dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ nhỏ trong gian đoạn phòng chống dịch bệnh covid-19. Giúp cho trẻ phát triển hài hòa. Chúc phụ huynh và các con luôn có sức khỏe tốt. Đồng thời Phụ huynh cùng chung tay với nhà trường làm tốt công tác phòng chống dịch covid-19 theo yêu cầu chỉ đạo của các cấp Xin trân trọng cảm ơn./.