Trường Mẫu giáo Phước Lâm

Những đứa trẻ học giỏi thường có 4 đặc điểm này, nếu con bạn cũng giống vậy thì xin chúc mừng

Những đứa trẻ học giỏi thường có 4 đặc điểm này, nếu con bạn cũng giống vậy thì xin chúc mừng

Hãy cùng phân tích ưu điểm của những học sinh giỏi, xem con bạn có 1 trong số này không nhé.

        Mỗi khi nhìn thấy "con nhà người ta" học giỏi, nhiều bố mẹ hẳn sẽ đặt câu hỏi: “Tại sao con anh/chị kia lại xuất sắc mà con mình lại không?”. 

        Theo các chuyên gia giáo dục, những "học bá" (từ chỉ những học sinh có thành tích học tập xuất sắc), thường có những phẩm chất sau đây. Hãy kiểm tra xem con bạn có phẩm chất nào không nhé. Nếu có, cha mẹ hãy tận dụng và giúp con trau dồi, phát huy điểm mạnh. 

1. Trẻ biết cách thể hiện cảm xúc

        Nhiều trẻ học hoàn toàn theo cảm xúc, tâm trạng vui thì có thể học đến khuya, tâm trạng không tốt thì không làm được việc gì. Khi những cảm xúc tiêu cực nảy sinh, trẻ sẽ sống trong căng thẳng, lo lắng và phiền muộn, nếu bị những cảm xúc đó chi phối, trẻ sẽ không có cách nào để tập trung học hỏi. 

        Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ có thể kiểm soát căng thẳng, giải tỏa những cảm xúc tiêu cực và khiến bản thân vui vẻ có xu hướng đạt được thành tích học tập tốt hơn.

        Bạn hãy trò chuyện để giúp trẻ hiểu được các loại cảm xúc khác nhau mà trẻ có thể cảm nhận được. Đồng thời, bạn hãy nói về nét mặt và loại hành vi có thể đến từ các loại cảm xúc khác nhau như thế nào. Ngoài ra, khi trẻ thể hiện một cảm xúc nào đó, hãy cùng trẻ giải thích lý do tại sao trẻ lại cảm thấy như vậy và thể hiện những hành vi nhất định để minh họa.

        Một đứa trẻ tức giận không phải là người xấu. Chẳng qua là chúng chưa thể hoặc chưa học được cách kiềm chế cảm xúc và kiểm soát bản thân. Do đó, trong quá trình giúp trẻ học các kĩ năng này, bạn hãy chấp nhận những cảm xúc và thể hiện sự đồng cảm với trẻ. Khi trẻ kiềm chế được cảm xúc và hành vi tiêu cực, hãy khen trẻ bằng lời. Việc này sẽ giúp trẻ ghi nhớ cũng như tự tin hơn trong những lần tiếp theo.

2. Trẻ có tính độc lập

        Hiện nay có rất nhiều đứa trẻ được cưng chiều từ nhỏ, không đụng tay vào việc gì. Thử tưởng tượng xem, nếu một đứa trẻ thiếu hiểu biết về cuộc sống, thiếu khả năng đặt mục tiêu, không biết tự bảo vệ mình, không biết chia sẻ với người khác thì sẽ ra sao? Lúc đó dù đứng đầu tất cả các môn học cũng vô nghĩa.

 

        Thành công trong nuôi dạy con không phải chỉ thể hiện ở chỗ có cho con đi học đại học hay du học hay không mà phải để con có cảm giác thành đạt, tìm thấy sự tự tin, tìm thấy chính mình, tìm thấy nhu cầu của cha mẹ và xã hội! Đó là lý do hãy cho trẻ làm những việc trong khả năng, học các kỹ năng cần thiết để tự lập.

3. Trẻ tự chủ cao

        Để thích nghi với cuộc sống trong lớp học, trẻ em phải chú ý, làm theo hướng dẫn, duy trì động lực và kiểm soát các xung động. Nói cách khác, tự kiểm soát đóng một vai trò quan trọng trong học tập và cuộc sống. 

        Trẻ có tính tự chủ cao có hai đặc điểm: Một là không làm những gì không nên làm, hai là kiên quyết làm những gì nên làm. Nghiên cứu tâm lý cho thấy một người có thành công hay không, ảnh hưởng của khả năng tự kiểm soát nhiều hơn gấp đôi so với trí thông minh. Học lực kém, trì hoãn trong công việc, chế độ ăn uống không lành mạnh, hút thuốc và uống rượu, lười vận động và mất bình tĩnh... Nhiều vấn đề kể trên chủ yếu là do thiếu tự chủ mà ra.

        Khi trẻ học được kỹ năng giải quyết vấn đề, chúng sẽ suy nghĩ trước khi hành động. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ chủ động đưa ra những giải pháp khác nhau thay vì làm hộ con. Chúng sẽ học được cách phân tích vấn đề, đưa ra giải pháp và lựa chọn cách giải quyết phù hợp nhất. Điều này sẽ giúp con tự chủ, bình tĩnh bất kể vấn đề gì nảy sinh trong trong cuộc sống.

4. Trẻ có ước mơ

        Nếu một đứa trẻ có ước mơ, nó sẽ có mục tiêu chính xác hơn, tốc độ nhanh hơn. Nhiều trẻ không thích học vì không có ước mơ, thiếu động lực, một khi đã có động lực trẻ sẽ chủ động mà không cần sự giám sát thường xuyên của cha mẹ.

        Để có ước mơ, hãy cho con những hình mẫu để con chọn xem mình muốn trở thành một người như thế nào. Con cũng cần rèn luyện khả năng tưởng tượng. Bố mẹ luôn khuyến khích con tưởng tượng về tương lai của mình, tưởng tượng về cảm giác hạnh phúc khi con đạt được mơ ước. Nếu có thể, bố mẹ đặt những gì gợi nhớ về ước mơ của con ở nơi còn có thể dễ dàng nhìn thấy.