Vậy làm thế nào để giúp trẻ phát triển tính tự tin hơn trong giao tiếp và học tập khi trẻ ở trường và khi cả ở nhà? Chúng ta cần phải làm gì?
1. Giúp trẻ phát hiện ra những ưu điểm của bản thân. Rèn cho trẻ kỹ năng giao tiếp, ứng xử, hợp tác nhóm trong giao tiếp và học tập:
Động viên, khuyến khích, gợi ý cho trẻ suy nghĩ và nói ra những ưu điểm trẻ tự nhận thấy ở bản thân. Ví dụ: con có thể làm được những gì? Con đã làm được gì để tự phục vụ bản thân? Con đã làm những việc gì giúp bố mẹ/bạn bè? Con đã từng được khen ngợi về điều gì?
Người lớn phải luôn làm gương khi giao tiếp với trẻ như thường xuyên cúi người xuống hoặc ngồi xuống ngang tầm mắt trẻ trong khi nói chuyện vừa giúp thỏa mãn nhu cầu được quan tâm, được yêu thương đồng thời tạo mối quan hệ gần gũi giữa người nói và người nghe. Khi giao tiếp trẻ sẽ có lúc nói sai, chúng ta không nên cười nhạo hoặc không cho phép trẻ nói tiếp như thế sẽ tạo cho trẻ cảm giác không tự tin, sợ nói.
Để trẻ có nhiều vốn từ và tự tin qua giao tiếp thì cần bồi dưỡng khả năng ngôn ngữ cho trẻ thường xuyên, mọi lúc. Bên cạch đó thường xuyên khuyến khích trẻ ham thích đọc sách và tự tìm tòi khám phá thế giới xung quanh. Khi trẻ càng có nhiều thông tin thì trẻ sẽ tự tin và càng trở nên mạnh dạn hơn trong giao tiếp, ứng xử và hợp tác nhóm.
2. Động viên, khuyến khích trẻ kịp thời để giúp trẻ không nhút nhát thụ động, kém tự tin, không tin tưởng vào bản thân mình vì sợ sẽ làm sai, sợ mình không làm được, sợ bị người lớn la.
Hãy khuyến khích trẻ nghĩ những cách để giải quyết một tình huống nào đó và giúp trẻ đạt tới gần mục tiêu hơn.
Thường xuyên khen ngợi trẻ, động viên, khuyến khích trẻ qua một nụ cười, một cái ôm ấm áp hay một câu nói yêu thương, vui vẻ, một cách nhìn quan tâm thân thiện như: “Con ngoan lắm”, “Mẹ tự hào về con”, “Con đã làm gần đúng” “Con hãy cố gắng thêm chút nữa”…. Lời khen có tác dụng làm tăng sự tự tin của trẻ nhưng chỉ thực sự ý nghĩa khi trẻ đạt được thành công cụ thể. Và khen ngợi phải đúng thời điểm, không nên sử dụng quá nhiều sẽ làm mất ý nghĩa đối với trẻ.
Thường xuyên giao cho trẻ công việc vừa sức để trẻ có sự thành công kết hợp với sự khen ngợi cùng với động viên khuyến khích đúng lúc sẽ giúp trẻ hình thành tính tự tin, chủ động.
Dạy cho trẻ kỹ năng tự phục vụ mình, luôn tin tưởng trẻ có thể làm được. Ví dụ: Tự múc ăn, tự đánh răng, tự mặc quần áo, cất đồ chơi... Khi trẻ tự múc được thức ăn, tuy có rơi vãi nhưng hãy khen “Con hôm nay tự múc ăn giỏi hơn hôm qua rồi đó”… Trẻ sẽ rất vui sướng và lần sau trẻ thích tự mình múc ăn, trẻ sẽ cảm thấy mình cũng làm được việc mà người lớn vẫn hay làm.
Hãy mạnh dạn tạo nhiều cơ hội cho trẻ khám phá thế giới xung quanh, không nên ngăn cản, hãy cho trẻ vui chơi và học tập thoải mái để trẻ có cơ hội phát triển khả năng của mình. Tuyệt đối không được chê trẻ, la trẻ mà hãy khen trẻ mỗi khi trẻ có hành vi tốt. Ví dụ: biết dọn bàn ăn, biết an ủi khi thấy bạn buồn, biết hỏi thăm khi người lớn hay bạn bị bệnh, đồ chơi của bạn bỏ quên bé biết mang trả lại, khen khi trẻ hoàn thành sản phẩm…. Nói cho trẻ biết chúng ta rất vui khi còn làm những việc như thế, không được nói với trẻ “Con chưa làm được đâu”, “Con không được làm như vậy”, “ Tranh con vẽ không đẹp”, “Con tô màu xấu quá”… trẻ nghĩ mình không làm được và dần dần làm mất sự tự tin của trẻ.
Được quan tâm, khen ngợi, động viên trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là không quản khi trẻ làm sai. Hãy để trẻ thấy rằng nếu làm những hành động đúng thì sẽ được quan tâm, làm người lớn vui lòng, được khen ngợi.
3 Tạo cơ hội mọi lúc, mọi nơi và các tình huống xung quanh trẻ để rèn luyện, phát triển tính tự tin cho trẻ:
Hãy khuyến khích trẻ tham gia vào các trò chơi mà trẻ yêu thích và cùng thi tài với những bạn khác. Trẻ sẽ ý thức được những mục tiêu phấn đấu đã đề ra, qua đó trẻ sẽ tự hào về những gì mình đạt được.
Tạo cơ hội để trẻ tự suy nghĩ, lựa chọn và quyết định một vấn đề gì đó khi học và chơi. Người lớn không nên bắt buộc hay nói với trẻ nên làm gì và làm thế nào vì trẻ sẽ luôn thực hiện theo những đề nghị của người lớn và không có sự lựa chọn của bản thân. Từ đó, trẻ sẽ trở nên thụ động và thiếu khả năng sáng tạo. lười tư duy và không có kỹ năng giải quyết vấn đề. Vì vậy, cần tôn trọng các quyết định của trẻ, đồng thời dạy thêm cho trẻ những kỹ năng cần thiết để hợp tác với người khác giúp trẻ tự tin trong mọi tình huống.
Để thực hiện tốt việc chăm sóc giáo dục trẻ cần tạo được sự thống nhất giữa gia đình và nhà trường, tránh những mâu thuẫn về nội dung, phương pháp và cách thức giáo dục cho trẻ
Ví dụ: khi ở nhà các bậc phụ huynh thường quá yêu thương con và không bao giờ để trẻ tự suy nghĩ, lựa chọn và quyết định một vấn đề gì đó. Phụ huynh luôn luôn giúp đỡ con trẻ giải quyết. Khi trẻ tự lấy nước uống thường cha mẹ hay cho rằng “Con không làm được đâu để mẹ lấy cho”, “con mà làm là rớt bể ly đó”…. Khiến trẻ nghĩ là mình không làm được điều này lâu ngày thành thói quen và khi đến trường trẻ không tự tin làm. Trong khi đó khi ở trường cô giáo lại rèn cho trẻ kỹ năng tự phục vụ: Tự múc ăn, tự chia và lấy thức ăn, tự đánh răng, tự mặc quần áo, tự cất đồ chơi sau khi chơi xong...
Chúng ta hãy cùng chung tay xây dựng cho trẻ kỹ năng tự lập, tự tin nhé!